Xây dựng dự án hợp tác STEAM giữa Việt Nam - Australia

Đăng vào 09/09/2021

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Việt Nam và Australia có thể xây dựng nhiều chương trình hợp tác mô hình STEAM để cung cấp các kiến thức khoa học cho trẻ em.

Thông tin được nêu tại phiên họp thứ 5 của Diễn đàn Đối thoại lãnh đạo trẻ Việt Nam-Australia 2021 sáng 9/9, hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương hai nước. Tại đây, các đại diện thế lãnh đạo hệ trẻ Australia đưa ra đề xuất, bên cạnh hợp tác về khoa học - công nghệ - giáo dục... cần tích hợp thêm các nội dung về nghệ thuật trong hợp tác giữa hai nước.

Đánh giá cao kết quả hợp tác thời gian qua, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh vai trò của con người và công nghệ - hai yếu tố không thể thay thế, nhất là trong bối cảnh cần phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo đó, các giải pháp công nghệ đang góp phần tạo ra những hoạt động bình thường mới. Học online, làm từ nhà... là cách thích ứng để tồn tại và tiếp tục phát triển. Vì vậy ông cũng kỳ vọng hai bên sẽ xây dựng được mô hình hợp tác phù hợp ở giai đoạn mới, trong đó có mô hình STEAM để cung cấp các kiến thức khoa học cho trẻ em

Trong hai năm trở lại đây, Việt Nam đã xây dựng mô hình giáo dục STEAM (là mô hình mở rộng của STEM về khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học - nghệ thuật) cho trẻ em Việt, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật thông qua nghệ thuật, đào tạo bằng hình thức online và trên lớp.

"Việt Nam đã lên kế hoạch cho những dự án hợp tác về mô hình này, hy vọng có thể xây dựng nhiều chương trình hợp tác mô hình STEAM giữa Việt Nam và Australia", ông nói và cho biết đã chọn ra những tài năng trẻ xứng đáng cho những dự án hợp tác về công nghệ.

Xây dựng dự án hợp tác STEAM giữa Việt Nam - Australia

Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến sáng 9/9.

Miêu tả về mối quan hệ giữa Việt Nam - Australia, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chọn ra ba từ gồm "trustworthy" (lòng tin cậy- yếu tố quan trọng để mở rộng mối quan hệ và cam kết làm đối tác lâu dài); "mutual" (sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh, vấn đề về văn hóa, nghiên cứu), "substainable" (sự bền vững- yếu tố chính tạo nên sự thành công trong các chương trình hợp tác dài hạn như Aus4Innovation, Mạng lưới hợp tác về Trí tuệ nhân tạo).

Ông cho rằng, những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 khiến nhiều chương trình và kế hoạch bị trì hoãn, tuy nhiên đây là thời điểm để giúp mối quan hệ hai bên thêm gắn bó và bền chặt trong tương lai, cùng nhau đi qua khoảng thời gian khó khăn nhất bằng việc xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ trong nghiên cứu, giáo dục, để tạo ra trạng thái bình thường mới.

Bà Jen Bahen, Tham tán giáo dục, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam chia sẻ, chính phủ Australia hàng năm mở nhiều học bổng từ cử nhân, bậc thạc sĩ và tiến sĩ, cũng như học bổng dành riêng cho Việt Nam trong một số chương trình nghiên cứu.

Tuy nhiên, bà cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chương trình giáo dục quốc tế của Australia. Bà Jen Bahen mong rằng mối quan hệ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của hai nước sẽ được gắn kết bằng nhiều chương trình hợp tác trong tương lai.

Thời gian qua hợp tác về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Australia được ghi nhận với nhiều thành tựu, trong đó có Chương trình A4I. Chương trình này đang đóng góp vào phát triển của Việt Nam cũng như hoạch định chính sách và kế hoạch phát triển về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới.

Thông qua 4 hợp phần triển khai từ năm 2019, bên cạnh các dự án được đầu tư công nghệ và kinh phí, chương trình còn giúp xây dựng Báo cáo "Tương lai nền kinh tế số Việt Nam"; hỗ trợ chính sách về đổi mới sáng tạo. Với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia CSIRO, đã cung cấp cho Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (VISTI) 7 mô hình xuất sắc của Australia và kinh nghiệm thực tế phát triển Trung tâm đối mới sáng tạo, xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo hiệu quả (Efficient Innovation Center) ở Việt Nam.

Hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/xay-dung-du-an-hop-tac-steam-giua-viet-nam-australia-4353690.html