Thành lập trung tâm vi mạch bán dẫn Việt Nam – Hàn Quốc

Đăng vào 09/04/2021

Trung tâm đặt tại TP HCM, mục tiêu đào tạo 100 kỹ sư vi mạch mỗi năm, để phát triển nguồn nhân lực đang thiếu hụt.

Trung tâm vi mạch bán dẫn Việt Nam - Hàn Quốc hoạt động theo mô hình hợp tác giữa Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM và SNST Finger Vina nhằm tăng cường hoạt động hợp tác phát triển vi mạch giữa cơ quan Chính phủ, trường đại học và doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.

Đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao và các đơn vị  cắt băng khánh thành Trung tâm vi mạch bán dẫn Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Nguyễn Nam.

Đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao và các đơn vị cắt băng khánh thành Trung tâm vi mạch bán dẫn Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Nguyễn Nam.

Sinh viên năm cuối các trường đại học, sinh viên vừa tốt nghiệp đam mê lĩnh vực nghiên cứu vi mạch có thể đăng ký tham gia khóa học cơ bản kéo dài 3 tháng tại Khu công nghệ cao TP HCM. Giảng viên là những chuyên gia có kinh nghiệm từ SNST Finger Vina, sử dụng các phần mềm bản quyền mua ở nước ngoài làm công cụ thiết kế vi mạch trên máy tính.

Ở khóa đào tạo cơ bản, sinh viên được dạy sử dụng hệ điều hành Linux, phần mềm... sau đó là kiến thức nâng cao về quy trình thiết kế vi mạch. Kết thúc khóa cơ bản, sinh viên sẽ được phân loại theo sở trường để tiếp tục đào tạo các mảng chuyên sâu của thiết kế vi mạch trong 3 tháng tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Duy Mạnh Thi, phụ trách Trung tâm vi mạch bán dẫn Việt Nam - Hàn Quốc, chương trình đào tạo sẽ theo đặt hàng của doanh nghiệp như Samsung, ADT... cho các dự án thiết kế chip của họ. Trong giai đoạn đầu, trung tâm chú trọng phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh làm tiền đề xây dựng đội ngũ làm R&D, trực tiếp làm các sản phẩm vi mạch, thiết kế các loại chip về IoT, 5G, infotainment (thông tin giải trí)...

"Chúng tôi mong muốn có nhiều doanh nghiệp cùng hỗ trợ chuyên môn, đặt hàng các sản phẩm cụ thể để thực hiện", ông Thi nói và cho biết vi mạch là lĩnh vực cần chi phí lớn, công nghệ thay đổi nhanh nên cần có một chiến lược phát triển mang tính lâu dài.

TP HCM có khoảng 1.000 kỹ sư vi mạch, 2.000 đến 3.000 kỹ sư hệ thống nhúng. Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013 – 2020 cũng được thành phố ban hành. Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM, để phát triển ngành công nghiệp vi mạch, nhân lực là yếu tố quan trọng. Số lượng 1.000 kỹ sư vi mạch hiện tại không chỉ đáp ứng nhu cầu lĩnh vực này mà cần phải có thêm hàng chục nghìn người để có lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp vi mạch, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội thành phố và đất nước.

"Phát triển nhân lực, đội ngũ kỹ sư vi mạch là cơ sở để thu hút và hình thành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở TP HCM", ông Thi nói và cho biết ngành công nghiệp vi mạch của thành phố hiện còn non trẻ cần sự quan tâm, đầu tư đúng mức để phát triển.

Thiếu hụt nhân lực vi mạch đang là tình trạng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Thống kê mới đây, trong gần một thập kỷ, tình trạng thiếu hụt nhân lực đã tăng gần gấp đôi với 54% doanh nghiệp báo cáo tình trạng người lao động thiếu kỹ năng ở 36 trong 44 quốc gia trong đó có Hoa kỳ, Thụy Điển, Phần Lan, Hungary, Slovenia. Khảo sát mới đây từ Gartner, tình trạng thiếu hụt nhân lực vi mạch là một trong những yếu tố rủi ro hàng đầu mà các doanh nghiệp phải đối mặt.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/thanh-lap-trung-tam-vi-mach-ban-dan-viet-nam-han-quoc-4259528.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...