Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2021

Đăng vào 03/12/2021

Ngày 30/11/2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương , Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2021.

Tham dự Diễn đàn Công nghệ và năng lượng Việt Nam Năm 2021, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, có Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ. Về phía Bộ Công thương có sự tham gia của Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo. Về phía các tổ chức có Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành, Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu (GWEC); Ông Tee Boon Teong, Tổng Giám đốc, Informa Markets Việt Nam; Bà Ann Marie Yastishock - Our Mission Director - Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt nam; Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Môi trường và Biến đổi khí hậu - Head of Climate Change and Environment, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP)…và các đại diện đến từ các Bộ, ban, ngành Trung ương, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương trên toàn quốc; đại diện các viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế; đại diện các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, doanh nghiệp công nghệ, năng lượng; đại diện các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ; các tổ chức cá nhân quan tâm.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Tăng Xuân Bình

Chia sẻ tại Diễn đàn Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết:

“Năng lượng là ngành kinh tế kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Trong những năm qua ngành năng lượng đã phát triển mạnh mẽ trong tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng.

Mặc dù vậy, với nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày một gia tăng, tốc độ trung bình hàng năm tăng tới 10,5%, những năm gần đây nước ta đã phải nhập khẩu từ 1-2% tổng công suất của toàn hệ thống điện. Dự báo trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng.

Vì vậy, việc phát triển các nguồn năng lượng khác bên cạnh các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng Việt Nam, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết được bài toán thiếu hụt năng lượng, giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.”

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021 được tổ chức Nhằm phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng với mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới. Diễn đàn giúp các đơn vị trong ngành khoa học và công nghệ, ngành công thương nhìn nhận tổng quan, rõ nét về thực trạng các hoạt động liên quan đến ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực Năng lượng.Thông qua Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Diễn đàn, đại diện nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư đã chia sẻ về Chính sách và chương trình hỗ trợ của Việt nam trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghệ xanh hướng tới phát triên bền vững tại Việt nam. Xu hướng công nghệ mới và khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khi Việt Nam tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

 Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Tạ Việt Dũng và các đại biểu tại tọa đàm “Xu hướng công nghệ mới và khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khi Việt Nam tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu”

Các nội dung chia sẻ tại Diễn đàn liên quan tới Vai trò của Năng lượng Gió trong chuyển năng lượng toàn cầu; Làm sao để năng lượng gió đóng vai trò quan trọng trong phức hợp năng lượng tại Việt Nam; Giải pháp giảm thiểu chi phí trong phát triển trang trại gió và nội địa hóa chuỗi cung ứng…

Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể để mở rộng năng lượng tái tạo, bổ sung thêm gần 10 GW công suất năng lượng tái tạo kể từ năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, than đá vẫn chiếm hơn 50% công suất năng lượng được bổ sung trong cùng kỳ.

Đại đa phần công suất năng lượng tái tạo mới bổ sung là năng lượng mặt trời – nhưng phong điện đang có dư địa tăng trưởng lớn như một lựa chọn thay thế với khả năng nhân rộng quy mô. Việc phát triển các dự án phong điện tại Việt Nam được ủng hộ mạnh mẽ, nhờ Chính phủ chú trọng đến năng lượng tái tạo trong quy hoạch phát triển điện quốc gia và phát huy thành công của điện mặt trời.

Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính tiềm năng phong điện ngoài khơi của Việt Nam có thể lên tới hằng trăm GW – gấp nhiều lần so với công suất lắp đặt 0,6 GW hiện nay. Để tham khảo, Đức - quốc gia đi đầu với vị thế vững chắc trong lĩnh vực phong điện - hiện có khoảng 62 GW công suất lắp đặt phong điện, trong đó gồm 8 GW là phong điện ngoài khơi.

Bên cạnh tiềm năng tự nhiên cho điện gió, Chính phủ cũng đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc phát triển điện gió. Đơn cử, việc ban hành biểu giá bán điện năng (FiT) cho các dự án điện gió từ năm 2021 đến cuối năm 2023 cho thấy sự ủng hộ của Chính phủ, đồng thời góp phần giảm rủi ro tài chính cho các dự án điện gió để có thể nghiệm thu đưa vào vận hành trước thời hạn mới.

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021, đại diện nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư đã chia sẻ về thực trạng và giải pháp phát triển ngành năng lượng Việt Nam qua các góc nhìn về công nghệ, chính sách, hạ tầng và đầu tư đến từ các chuyên gia trong nước và ngoài nước. Nhiều thông tin bổ ích và những đề xuất kiến nghị đã được đưa ra tại Diễn đàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Nguồn : SATITECH


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...