Khảo sát, đánh giá công nghệ bảo quản, chế biến vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Đăng vào 18/04/2022

Thực hiện nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao triển khai đề xuất của Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang trong buổi làm việc ngày 17/3/2022 giữa Đoàn công tác của Bộ KH&CN với UBND tỉnh về việc tìm kiếm, hỗ trợ công nghệ bảo quản, chế biến quả vải cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngày 14/4/2022 Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang tổ chức đoàn công tác, khảo sát nắm bắt thực trạng vùng trồng vải và công nghệ bảo quản, chế biến quả vải hiện có tại một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trong địa bàn tỉnh.

Thành phần đoàn khảo sát, về phía Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ có ông Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm (là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục) làm trưởng đoàn cùng một số chuyên gia công nghệ đến từ Công ty TNHH Công nghệ và Tư vấn Hàn Quốc - Hantech; về phía Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang có bà Trương Thị Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN, đại diện Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ của Sở.

Tiếp và làm việc với đoàn khảo sát, về phía UBND huyện Lục Ngạn có ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện 1 số phòng ban của huyện.

Buổi làm việc của đoàn khảo sát với UBND huyện Lục Ngạn. Ảnh: Satitech

Để nắm bắt rõ thực trạng công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đoàn đi thăm và khảo sát một số cơ sở sấy và bảo quản vải trên địa bàn huyện Lục Ngạn; làm việc và thăm khu vực sản xuất của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Toàn Cầu và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu VIFOCO.

Đoàn khảo sát đến thăm Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu VIFOCO. Ảnh: Satitech

Trong quá trình khảo sát, ông Nguyễn Thế Thi chia sẻ: “Lục Ngạn là vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước, năm nay huyện có khoảng 15.750 ha diện tích trồng vải với hơn 80 mã số vùng trồng, trong đó có 27 mã số vùng trồng của Nhật Bản, 18 mã số vùng trồng của Mỹ và 35 mã số vùng trồng của Trung Quốc. Về cơ bản việc sản xuất vải thiều đã đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản lượng vải của huyện ước tính đạt trên 95 nghìn tấn, thời gian thu hoạch dự kiến từ 25/5-20/7 hàng năm. Những năm gần đây tình hình sản xuất, tiêu thụ vải khá thuận lợi, vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu đến hơn 30 nước trên thế giới. Đặc biệt tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường khó tính, mở ra cơ hội tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn ở nhiều thị trường khác nhau... Tuy có tiềm năng lớn về sản xuất nhưng khó khăn lớn nhất đối với người dân và chính quyền hiện nay là việc tìm kiếm các công nghệ phù hợp để bảo quản, chế biến quả vải sau thu hoạch. Chính vì vậy, huyện mong muốn thông qua Bộ KH&CN, Sở KH&CN tỉnh giới thiệu những công nghệ chế biến và bảo quản phù hợp dựa trên tình hình thực tế của địa phương để đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu ngày càng lớn mà vẫn đảm bảo được giá trị cao của quả vải khi đến với người tiêu dùng trên thế giới”.

Mặc dù vải thiều đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên sản lượng xuất khẩu sang các thị trường khó tính vẫn chiếm tỷ trọng thấp, trong 2 năm dịch bệnh diễn ra việc tiêu thụ quả vải tươi gặp khó khăn, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát triển một số sản phẩm được chế biến nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu và nội địa như: Cùi vải đóng hộp, nước vải,... tuy nhiên năng lực sản xuất và thị trường tiêu thụ mới chỉ đạt <2% sản lượng. Ngoài ra, công nghệ bảo quản tươi để xuất khẩu hiện tại còn nhiều hạn chế như: thời gian bảo quản chưa kéo dài, chi phí bảo quản tốn kém…Trong các sản phẩm chế biến bảo quản thì sản lượng vải khô vẫn chiếm tỷ trong lớn nhất (trên 30% tổng sản lượng) do nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu vẫn khá cao, các công nghệ sấy hiện nay tại địa phương còn khá lạc hậu, dẫn tới chất lượng sản phẩm chưa cao, việc đổi mới ứng dụng công nghệ sấy là khá cấp thiết ở giai đoạn này.

Đoàn công tác đã có buổi làm việc để trao đổi thực trạng và đánh giá sơ bộ về công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch của địa phương với lãnh đạo Sở KHCN Bắc Giang. Trao đổi sâu về những ưu điểm và hạn chế của các công nghệ hiện đang áp dụng.

Khu vực chế biến của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Toàn Cầu. Ảnh: Satitech

Công nghệ sấy vải đang áp dụng tại địa phương. Ảnh: Satitech

Dựa trên cơ sở đó, hai bên đặt ra mục tiêu chung cho thời gian tới: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ sẽ hỗ trợ địa phương tư vấn và triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ bảo quản, chế biến phù hợp nhằm đổi mới, thay thế một số công nghệ hiện có, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, góp phần giúp tỉnh Bắc Giang giải quyết được bài toán khó này.

Nguồn: SATITECH


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...