Quỹ Nafosted có thể có thu hút thêm tài trợ từ xã hội

Đăng vào 17/04/2023

Hiện có nhiều tổ chức đề nghị Quỹ phát triển khoa học công nghệ Quốc gia (Nafosted) xây dựng nguồn quỹ tài trợ từ xã hội, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học.

Thông tin được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chia sẻ tại hội nghị thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao tổ chức tại TP HCM sáng 15/4.

Ông cho biết, thời gian qua Quỹ Nafosted, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với các tổ chức xã hội và nhận thấy khả năng có nguồn tài trợ từ khối tư nhân. Các tổ chức xã hội mong muốn phối hợp cùng Quỹ Nafosted xây dựng quỹ tài trợ bên cạnh nguồn lực ngân sách.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị diễn ra tại Đại học Kinh tế TP HCM, sáng 15/4. Ảnh: Hà An

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị diễn ra tại Đại học Kinh tế TP HCM, sáng 15/4. Ảnh: Hà An

Về cách thức và cơ chế vận hành nguồn quỹ này, Bộ trưởng cho rằng cần nghiên cứu, nhưng có thể theo mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm (venture fund). Các tổ chức xã hội sẵn sàng hỗ trợ giúp đẩy mạnh quy mô tài trợ cho nghiên cứu khoa học, để đạt các mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam.

Ông đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo luôn ủng hộ Quỹ Nafosted trong quá trình làm việc, phối hợp với các tổ chức liên quan để gia tăng nguồn kinh phí, tài trợ, hỗ trợ hàng năm từ nguồn ngân sách và ngoài ngân sách. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính phù hợp theo đặc thù của ngành, phù hợp với thông lệ quốc tế, chấp nhận rủi ro và độ trễ.

Nafosted được thành lập để tài trợ, hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, hoạt động nâng cao năng lực và các nhiệm vụ khoa học đột xuất, tiềm năng lớn sử dụng ngân sách do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, hoạt động từ năm 2008. Cơ cấu phân bổ kinh phí của quỹ trong giai đoạn 2014 về trước được cấp tối đa 300 tỷ đồng mỗi năm. Sau năm 2014 quỹ được cấp tối đa 500 tỷ đồng mỗi năm. Giai đoạn hiện nay Quỹ được cấp thực tế khoảng 300 tỷ đồng. Sau 15 năm, Quỹ Nafosted đã tài trợ hơn 4.000 đề tài nghiên cứu của 20.000 nhà khoa học và 300 tổ chức trên cả nước. Trung bình một đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản được cấp kinh phí 950 triệu đồng, mức được cho là thấp.

Theo ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc cơ quan điều hành Quỹ Nafosted, trong giai đoạn đầu Quỹ chủ yếu tài trợ cho hoạt động nghiên cứu cơ bản với tỷ lệ gần 90%. Tuy nhiên, theo điều lệ mới trong giai đoạn tiếp theo, Quỹ sẽ hướng đến tài trợ cho các nghiên cứu xuất sắc, tăng tỷ lệ tài trợ theo hướng nghiên cứu ứng dụng khoảng 25% với mục tiêu thúc đẩy số lượng sáng chế, sở hữu trí tuệ. Hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sẽ tăng lên, hướng đến hoạt động nghiên cứu sau tiến sĩ, dưới dạng tài trợ cho các nhà khoa học trẻ trong giai đoạn đầu hoạt động khoa học.

Theo ông Nguyên, mục tiêu của chương trình vận hành theo thông lệ quốc tế ở các khâu đánh giá nhà khoa học, xét chọn đề tài và kết quả nghiên cứu, đảm bảo liêm chính học thuật. Về vấn đề thông tin, quản lý tài chính quỹ đảm bảo minh bạch, thủ tục thuận lợi, đơn giản. Các nhà khoa học ở địa phương có thể đăng ký tham gia các bước để nhận được tài trợ dễ dàng. "Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất thay đổi các quy định luật ngân sách để các nguồn kinh phí tài trợ từ quỹ thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đảm bảo thuận lợi cho nhà khoa học", ông Nguyên nói.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/quy-nafosted-co-the-co-thu-hut-them-tai-tro-tu-xa-hoi-4593884.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...